Cập nhật lúc: 6/15/2023 11:49:27 AM

Hà Nội quy định ở 15m2 mới được đăng ký thường trú: Nan giải, khó khả thi?

Theo nhiều chuyên gia, dự thảo nghị quyết về quy định diện tích tối thiểu khi đăng ký thường trú tại Hà Nội cần có độ "mở" và được nghiên cứu đánh giá tác động một cách toàn diện.

Nội dung được đưa ra tại hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo nghị quyết của HĐND quy định diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú (ĐKTT) vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ tại Hà Nội, vừa được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội tổ chức.

Theo đó, dự thảo nghị quyết quy định diện tích tối thiểu để đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ đối với khu vực ngoại thành là 8m2 sàn/người, với khu vực nội thành là 15m2 sàn/người.

Tham gia góp ý, TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng cách phân chia theo nội, ngoại thành chưa xem xét đến mối quan hệ giữa thực trạng dân cư với định hướng phát triển, phân bố dân số theo quy hoạch tại một số khu vực đặc thù.

Với ngoại thành, dự thảo quy định gộp là 8m2 sàn/người, song ông Nghiêm cho rằng cần tính đến đặc thù đang triển khai các đô thị vệ tinh, nhất là hai vùng động lực với 5 nhóm tiêu chí.

Để thực hiện, chuyên gia nêu quan điểm thành phố cần quan tâm tiêu chí quy mô dân số hiện chưa đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định của Quốc hội, nên cần có chính sách khuyến khích hơn so với ngoại thành nói chung. 

Trong khi đó, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh đề nghị đưa Luật Thủ đô vào căn cứ pháp lý. Riêng với tờ trình, ông cho rằng cần có đánh giá kỹ về nguyên nhân thực tế khi thực hiện hai nghị quyết trước đây không phát huy được hiệu quả.

Ông Dũng cũng đề nghị có phụ lục kèm theo nghị quyết quy định những thủ tục, văn bản cần có về nhà ở khi đi đăng ký thường trú để đảm bảo công khai, thống nhất nhưng với tinh thần đơn giản, tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền lợi của mình.

Ngoài ra, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng trong dự thảo cần nêu thời hạn thực hiện của chính sách (có thể đến năm 2030) và quy định kỹ hơn về tổ chức thực hiện.

Ở góc độ khác, PGS Bùi Thị An, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn kinh tế Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, lưu ý việc xây dựng Nghị quyết nên có báo cáo đánh giá thực trạng và tác động xã hội để xem xét sau khi Nghị quyết có hiệu lực thì ảnh hưởng đến bao nhiêu người dân, sẽ xử lý thế nào với các huyện sắp lên quận.

Đặc biệt, bà An đề nghị có quy định rõ quyền lợi của người thường trú và tạm trú, tránh trường hợp họ cứ liên tục tạm trú, việc thực hiện Nghị quyết sẽ không đạt mục tiêu đề ra.

Theo bà, đây vẫn là bài toán khó cho Hà Nội và chỉ áp dụng được với người mới đến đăng ký. Còn với số người đã thường trú mà chưa đủ điều kiện, cần thời gian quá độ mới thực hiện được triệt để theo tinh thần của Nghị quyết.

"Vì vậy, tôi đề nghị thành phố có quỹ nhà ở xã hội dư dặt một chút để góp phần thực hiện nghị quyết này được khả thi", PGS Bùi Thị An nói.

Cùng với các ý kiến trên, nhiều đại biểu cũng cho rằng vấn đề nan giải tại nội thành Hà Nội hiện nay là quản lý dân cư khu phố cổ. Dự thảo chỉ phân ra hai khu vực với diện tích 8m2 và 15m2 là chưa gắn với đặc thù phát triển của thành phố và với những chỉ thị của trung ương nên cần được xem xét thêm.

Với khu vực phố cổ có mật độ dân số đang rất cao, các đại biểu đề nghị cần được áp dụng ở mức độ diện tích cao hơn. Ngoài ra, với nội thành, dự thảo cần nêu rõ "một số khu vực đặc thù sẽ thực hiện theo các quy định riêng".

Theo nhiều ý kiến, Nghị quyết này cần thiết và cần sớm được ban hành, nhưng mới chỉ là một trong rất nhiều vấn đề thực tiễn đang đặt ra. Trong khi đó, dự thảo còn một số nội dung chưa rõ ràng, cần có độ "mở" hơn và cần được nghiên cứu đánh giá tác động một cách toàn diện vấn đề dân số để có thể đưa vào thực tiễn.


Các bài viết khác

Hỗ trợ luật doanh nghiệp
Tư vấn doanh nghiệp
Hottline:
0979 981 981
Email:
Tư vấn Đầu tư
Hottline:
0983 138 381
Email:
Hỏi đáp pháp luật