Cập nhật lúc: 5/30/2014 10:33:47 AM

ACB đòi Vietinbank chịu trách nhiệm 718 tỷ đồng, Bầu Kiên xin nộp đơn khiếu nại

Ông Lý Xuân Hải cho biết, tiền ACBI mua cổ phiếu ACB không phải của ngân hàng ACB mà là của Vietbank. Trước khi phiên tòa kết thúc, Bầu Kiên tiếp tục ý kiến về việc gửi đơn khiếu nại đã nói hôm qua. 

14h30 chiều ngày 23/05/2014, phiên tòa xử bầu Kiên tiếp tục.
 
ACB ĐỀ NGHỊ VIETINBANK CHỊU TRÁCH NHIỆM VỚI 718 TỶ ĐỒNG

Tòa hỏi đại diện Vietinbank: Huyền Như mượn danh nghĩa Vietinbank CN Hồ Chí Minh để chiếm đoạt tài sản của ACB thì trách nhiệm của Vietinbank CN Hồ Chí Minh cũng như của Vietinbank như thế nào?

Đại diện này trả lời: “Ở đây không có chuyện mượn danh nghĩa vì đã có sự phân cấp. Việc Huyền Như chiếm đoạt thì Như phải chịu trách nhiệm. Đúng là có 32 hợp đồng có dấu của Vietinbank CN Hồ Chí Minh nhưng như sáng nay, trong lời khai của Như, 32 hợp đồng này chỉ mang tính nguyên tắc chứ không phát sinh hiệu lực để các bên hoạt động.
 
Quy trình ký 32 hợp đồng này hoàn toàn phù hợp quy định của pháp luật và quy định của Vietinbank. Chính vì ACB buông lỏng quản lý mới dẫn đến tình trạng Như lợi dụng kẽ hở để chiếm đoạt.
 
Vietinbank khẳng định không chiếm đoạt nên không chịu trách nhiệm mất tiền của ACB. Theo luật, ai là người chiếm đoạt thì phải chịu trách nhiệm bồi thường.”
 
Đại diện của ACB:

Sáng nay tôi có nghe thẩm vấn Huyền Như nhưng có một nội dung chưa được thẩm vấn. Theo tôi, việc Huyền Như nói do ACB buông lỏng quản lý thì không phải nguyên nhân trực tiếp mà nguyên nhân là do Như làm chữ ký giả, làm bộ hồ sơ thế chấp giả dẫn đến rút được tiền. Tôi mong HĐXX làm rõ thêm.
 
Số tiền 718 tỷ, ACB cho rằng đây là trách nhiệm của Vietinbank. Phán quyết đòi Vietinbank chưa có hiệu lực nên ACB vẫn đề nghị Vietinbank chịu trách nhiệm trả lại tiền cho ACB.
 
Ông Kiên phát biểu:

Tôi xin có ý kiến về nội dung thẩm vấn Huyền Như sáng nay. Đại diện Vietinbank và Huyền Như đã trình bày sai bản chất sự việc. Nhân viên ACB không giao dịch với cá nhân với Như mà là với quyền trưởng phòng giao dịch 1 chi nhánh của Vietinbank, tức là giao dịch giữa cá nhân với một pháp nhân nên Vietinbank phải chịu trách nhiệm.
 
Vietinbank trong các báo cáo mà tôi được đọc, với kinh nghiệm làm ngân hàng nhiều năm, tôi xin phát biểu: các ngân hàng lớn có hệ thống công nghệ quản lý chặt mọi số liệu trên sổ cái. Đề nghị HĐXX lấy mật mã đăng nhập của Vietinbank để kiểm tra hạch toán kế toán trong thời gian diễn ra các giao dịch này. Vietinbank có trách nhiệm hạch toán các khoản tiền gửi theo đúng quy định của pháp luật (ông Kiên dẫn cụ thể điều khoản và khoản mục hạch toán kế toán).
 
Tôi tin không ai ở Vietinbank có thể xóa được dữ liệu trên phần mềm. Những giao dịch này, Vietinbank phải biết và quản lý. NH đang đánh lận với việc các người gửi tiền không quản lý tài khoản với việc buông lỏng quản lý nhân viên của mình.
----------------
15H10
Tòa ngắt lời ông Kiên về việc ủy thác gửi tiền và trách nhiệm của Vietinbank, Huyền Như, chuyển sang thẩm vấn những sai phạm trong mua bán cổ phiếu.
 
ĐẦU TƯ CỔ PHIẾU ACB - BIẾT KHÔNG ĐÚNG NHƯNG VẪN LÀM THEO CHỈ ĐẠO

Tòa hỏi ông Lê Vũ Kỳ, ông Kỳ nói:

Theo quy định, ACBS không được mua cổ phiếu của ACB. Thời điểm đó, giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán đã xuống thấp và là thời điểm để mua vào, chọn những cổ phiếu tốt thanh khoản cao để đầu tư. ACB là cổ phiếu tốt đáng để đầu tư nhưng không có quyết định cụ thể là đầu tư cổ phiếu nào. 
 
Sau khi bàn bạc, thường trực HĐQT ủy quyền cho ông Kiên – chủ tịch Hội đồng đầu tư của ACB để đầu tư cổ phiếu. Ông Kiên đã chỉ đạo triển khai các công việc ở ACBS. Tôi chỉ được ban TGĐ của Công ty chứng khoán ACB (ACBS) gửi đề xuất Hội đồng đầu tư cho phép hợp tác giữa ACBS và Công ty CP Đầu tư Á Châu (ACI) Hà Nội và tham gia ký nghị quyết này của Hội đồng đầu tư ACBS.
 
Tòa hỏi ông Chung – TGĐ ACBS:

Tại cuộc họp giao ban tháng 11/2009, ông Kiên trực tiếp chỉ đạo tôi triển khai việc hợp tác đầu tư với ACBI Hà Nội. Bản thân tôi ký hợp đồng hợp tác đầu tư này. ACBS không được mua cổ phiếu của ACB nên ký với ACI để mua được cổ phiếu ACB. 
 
Ông Lê Vũ Kỳ:

Tôi không biết gì về việc mua cổ phiếu của ACBS. Hoạt động mua bán cổ phiếu diễn ra hàng ngày, tôi bên ngân hàng chỉ biết về mảng môi giới. 
 
Về việc liên doanh liên kết, theo ý hiểu của tôi, lúc đó anh Kiên không nói rõ là để mua cổ phiếu ACB mà theo tôi là còn nguyên nhân khác. Bên pháp chế giải thích việc ACBS thông qua ACI để mua cổ phiếu ACB là không sai vì như vậy là ACBS không sở hữu trực tiếp cổ phiếu ACB.
 
Ông Chung: 

Ông Kiên chỉ đạo cho KienLongbank và Vietbank vay rồi chuyển cho ACBS vay và ACBS phát hành trái phiếu. Mọi việc là ông Kiên chỉ đạo, cả việc liên doanh với ACI, tôi là người ký. ACBS lúc đó không còn vốn nữa, để có vốn tiếp tục hoạt động đầu tư thì phải phát hành trái phiếu (350 tỷ).
 
Trong thời gian ACBS liên doanh với ACI để mua một loạt cổ phiếu trong đó có cổ phiếu ACB thì có kiểm toán do PWC tiến hành vào tháng 6/2010. Họ nói rằng việc hợp tác đầu tư như vậy là không đúng. Tôi báo cáo lên HĐQT. Ông Kiên chỉ đạo dừng lại không mua tiếp nữa, không rõ sau đó như thế nào.
 
Theo quan điểm của tôi, khi có chỉ đạo của HĐQT về việc đầu tư và liên doanh liên kết như vậy, tôi đã thấy không đúng rồi. Nhưng bên trên chỉ đạo cứ làm đi, tôi cũng không rõ lắm về pháp luật nên nghĩ rằng đã có ý kiến của pháp chế rồi, có thể thi hành.

 
 Ông Lê Vũ Kỳ:

ACI là đơn vị trực tiếp sở hữu cổ phiếu còn ACBS chỉ là bên hưởng quyền lợi từ sự sở hữu đó nên tôi nghĩ là không sai. Khi PWC nói là không phù hợp, tôi có hỏi không phù hợp như thế nào, thì PWC trả lời rằng việc hợp tác không sai, nhưng nếu ACI không góp vốn thì có thể bị hiểu là ACBS đầu tư cổ phiếu ACB, tốt nhất là nên tất toán. PWC không có văn bản nào mà chỉ nói như vậy thôi.

Lúc đó còn 3 ngày nữa phải công bố BCTC hợp nhất nên phải làm cho xong. 
 
Theo pháp luật thì Luật không cấm ACI mua.
 
Tòa nói: “nhưng quá trình điều tra chứng minh bản chất tiền mua là của ACBS.”

Ông Kỳ vẫn nêu quan điểm việc này không sai, việc hợp tác đầu tư là đúng luật.
 
Đại diện của PWC không nêu ý kiến của mình, chỉ xác nhận PWC đã kiểm toán BCTC của ACB 6 tháng đầu năm 2010, và nói: “nhân viên kiểm toán phụ trách việc này – người có thể trả lời đang đi công tác nước ngoài, có thể đến tòa vào tuần tới.”
 
ÔNG TRỊNH KIM QUANG NÓI BỊ ÉP CUNG

Ông Trịnh Kim Quang:

“Cuộc họp HĐQT của ACB vào ngày 2/11/2009 có quan điểm là chọn cổ phiếu để đầu tư. Tôi có bàn về việc mua cổ phiếu ACB để làm cổ phiếu quỹ. Nghị quyết HĐQT đồng ý đầu tư vào một số cổ phiếu giá tốt và thanh khoản cao, không có chỉ đạo cụ thể mua cổ phiếu ACB, giao cho ông Kiên – chủ tịch Hội đồng đầu tư của ACB thực hiện. Hạn mức đầu tư 700 tỷ.”
 
Tòa lật lại trong một số lời khai của ông Quang rằng có chỉ đạo mua cổ phiếu ACB. 
 
Ông Quang: “Như đã nói, tôi bị ép cung. Điều tra viên đã soạn sẵn, nếu đối chiếu các bản tường trình của tôi với các bản hỏi cung sẽ thấy mâu thuẫn.”
 
Chủ tọa không đề cập sâu hơn, chuyển sang ông Lê Vũ Kỳ.
 
Sau một hồi lật lại nhiều lần các lời khai của ông Lê Vũ Kỳ, tòa hỏi: “ ông thừa nhận việc liên kết với ACBI thực chất là ACBS đổ tiền mua cổ phiếu ACB?”
 
Ông Kỳ bối rối và im lặng, không đồng ý cũng không phủ nhận.
 
 VỀ MẶT PHÁP LÝ ACBS KHÔNG SAI, ÔNG KIÊN CHỊU TRÁCH NHIỆM ĐẦU TƯ

Ông Phạm Trung Cang: 

“Tôi không nhớ có tham gia cuộc họp đó hay không vì cuộc họp này cũng không quan trọng lắm. Tôi là chủ tịch hội đồng tín dụng thì chỉ lo cho vay khách hàng, việc đầu tư được giao cho anh Kiên.
 
Tôi có yêu cầu điều tra viên sửa lời khai là tôi không có chỉ đạo mua cổ phiếu ACB nhưng sau đó do … hết giờ nên không thay đổi. Tôi không được báo cáo thông tin nào về việc mua cổ phiếu nào, ở đâu, hợp tác đầu tư như thế nào, do ai thực hiện. Tôi chỉ biết thông tin này khi anh Hải nói về ý kiến của kiểm toán PWC. (ông Hải thông báo việc này bằng miệng trong một cuộc họp giao ban).
 
Tôi không nói bị ép cung, mà khi cơ quan điều tra hỏi tôi: “theo quan điểm của anh, việc mua cổ phiếu như thế nào”, tôi giải thích nếu ACB, ACBS muốn mua cổ phiếu ACB thì phải xin phép và công bố thông tin, nếu không thì là sai. Chứ tôi không xác nhận là tôi chỉ đạo việc mua này. 
 
Khi ACI mua cổ phiếu bằng vốn của ACI thì về pháp lý, ACI sở hữu cổ phiếu ACB chứ không phải ACBS, như vậy là đúng quy định.”
 
Tòa tiếp tục lật lại câu hỏi: nhưng nguồn tiền là do ACBS cấp cho ACBI, vậy đúng hay sai?
 
Ông Cang khẳng định lại, về mặt pháp lý, ACBS không sai.
 
“Chủ trương của thường trực không sai. Còn đã giao nhiệm vụ thì việc anh Kiên đầu tư như thế nào, mua cổ phiếu bao nhiêu, lúc nào, anh Kiên phải chịu trách nhiệm. Bình thường anh Kiên không báo cho thường trực, không báo cho tôi, đến khi kiểm toán ý kiến thì tôi cũng không nhận được báo cáo nào cả.

 
Ông Lê Vũ Kỳ:

Là thành viên HĐQT của ACBS, trong việc đầu tư chứng khoán, thường trực HĐQT của ACB là cấp trên chỉ đạo thực hiện chứ tôi không tham gia chỉ đạo.
 
Ông Chung – TGĐ ACBS: Anh Kỳ không trực tiếp chỉ đạo việc mua cổ phiếu. 

TIỀN MUA CỔ PHIẾU ACB LÀ CỦA VIETBANK CHỨ KHÔNG PHẢI CỦA ACB

Ông Lý Xuân Hải:

Cuộc họp đó có bàn về nhiều nội dung, trong đó không bàn về việc mua cổ phiếu ACB. Việc bàn mua cổ phiếu ACB là một số cổ đông lớn bàn với nhau lúc đầu giờ hay lúc nghỉ giữa giờ mà thôi. 
 
Tòa cho biết lời khai của ông Giá rằng trong cuộc họp này có chủ trương cấp hạn mức đầu tư 700 tỷ cho ACBS để đầu tư vào các cổ phiếu tốt, thanh khoản cao, trong đó có cổ phiếu ACB. 

Ông Hải nói:

 
Tôi xin khẳng định về những điều tôi đã khai. Tôi chịu trách nhiệm về lời khai của mình. Sau khi có ý kiến của PWC, tôi xin kiểm toán cho 1 tuần để tìm hiểu sự việc nhưng theo tôi thì việc mua cổ phiếu ACB là không nên.
 
ACBS trong quá trình triển khai nghị quyết của HĐQT đã hợp tác với ACI. Nguồn tiền mà ACI mua ACB là của VietBank chứ không phải của ACB. Cá nhân tôi cho rằng việc hợp tác đầu tư là không sai. Nó là một hợp đồng đầu tư thì bản chất là hợp tác đầu tư thôi. (câu trả lời khi Tòa vặn hỏi về “bản chất” sự việc).
 
Tôi cho rằng hành vi đầu tư ấy có thể bị hiểu thành như vậy (tức ACBs thông qua ACI để mua cổ phiếu của ACB, tiền thực chất là của ACBs, ACB). Nhưng không phải PWC yêu cầu vì công ty kiểm toán không có quyền yêu cầu, họ chỉ nêu ý kiến và việc xử lý tùy thuộc chúng tôi. 
 
Chính tôi là người yêu cầu không thực hiện, vì những việc tranh tối tranh sáng rủi ro thì không nên làm.
 
16h50:
Đại diện của ACI trả lời câu hỏi của tòa về việc ký hợp đồng hợp tác đầu tư với ACBS.
Tòa hỏi: Trong quá trình mua cổ phiếu của ACB, ACI có bao nhiêu tỷ hay toàn bộ của ACBS?

Đại diện ACI: Tôi không nhớ rõ. Cái này liên quan đến kế toán. 
 
Tòa nhắc lại toàn bộ số tiền ACI đầu tư mua ACB là của ACBS.
 
ACI: Tôi nhớ không lầm thì cũng có phần tiền của ACI, tôi sẽ liên hệ kế toán để báo cáo sau.
 
BẦU KIÊN VÀ LÝ XUÂN HẢI KHẲNG ĐỊNH TGĐ ACBS KHAI KHÔNG ĐÚNG, MÂU THUẪN

Ông Lý Xuân Hải:

Liên quan đến việc hợp tác đầu tư, tôi không được tham gia bàn bạc, tôi cho rằng về hình thức có thể bị hiểu là sai nên đã chỉ đạo dừng lại. Tôi báo cáo với chủ tịch HĐQT là ông Giá về việc này. 
 
Việc anh Chung nói ACB chuyển tiền cho các công ty ACBS, ACI là không đúng. Việc cho KienLongbank và VietBank vay là hoạt động liên ngân hàng.
 
Ông Lê Vũ Kỳ, ông Cang, ông Quang đều nói mình không tham gianên không nhận xét gì về việc này.
 
Ông Nguyễn Đức Kiên:

Trong cuộc họp nói trên, chúng tôi bàn về nhiều loại cổ phiếu. Riêng việc mua cổ phiếu ACB là không bàn. Trong ban lãnh đạo không có cuộc họp nào bàn về chủ trương mua cổ phiếu ACB.
 
Tôi đã thông báo chủ trương HĐTV của ACB là cấp hạn mức đầu tư 700 tỷ cho ACBS để chọn cổ phiếu đầu tư. 
 
Việc hợp tác đầu tư với ACI triển khai sau đó rất lâu chứ không phải ngay sau đó. Tôi không chỉ đạo cho KienLongbank vay tiền. 
 
Anh Hải không báo cáo tôi về ý kiến của PWC nhưng có nói với tôi là trong báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2010 của ACBS, trong hoạt động hợp tác đầu tư với ACI có xuất hiện cổ phiếu ACB, ngay lập tức tôi và anh Hải tổ chức họp với bên ACBS.
 
Tại cuộc họp này, tôi và anh Hải đã khẳng định ACB không đầu tư vào cổ phiếu ACB. Do đó, yêu cầu ACBS và ACBI xem xét lại việc hợp tác đầu tư, nếu có thỏa thuận nào thì phải loại bỏ ngay từ bây giờ. Tôi lúc đó, với cương vị là chủ tịch HĐQT của ACI, khẳng định toàn bộ cổ phiếu ACB do ACI mua là thuộc thẩm quyền và quyền hạn của ACI. Và với tư cách chủ tịch của ACI, tôi chỉ đạo ACI tiếp tục mua cổ phiếu ACB theo chương trình làm việc của ACI.
 
Tòa dẫn các lời khai của ông Chung – TGĐ ACBS về việc ACB đã chuyển tiền cho ACBS mua cổ phiếu ACI thông qua việc hợp tác đầu tư với ACI, kiểm toán PWC phát hiện, các chỉ đạo của ông Kiên sau đó…
 
Ông Kiên khẳng định lời khai của anh Chung không đúng sự thật mà chứa đựng nhiều mâu thuẫn. Theo đó, ông Chung là quyền tổng giám đốc của ACBS thì mọi việc ông Chung phải thực hiện.

Trong ACB có quy định nội bộ về quản lý hoạt động của ACBS, trong đó hoạt động được giao cho ông Kỳ, ông Hải còn ông Kiên chỉ đạo hoạt động đầu tư. Mọi việc đều phải thực hiện bằng văn bản. 
 
Trước khi phiên tòa kết thúc, Bầu Kiên tiếp tục ý kiến về việc gửi đơn khiếu nại đã nói hôm qua.
 
“Hôm nay tôi đã làm xong đơn, xin nộp ngay bây giờ.”
Tòa nghỉ, ngày mai thứ Bảy 24/5 tiếp tục xử
----------------------

 

Tòa thẩm vấn về ủy thác đầu tư tiền gửivề hoạt động kinh doanh của các công ty con
Các nguyên lãnh đạo ACB khẳng định ủy thác gửi tiền là không trái luật; Bầu Kiên và gia đình ông Trần Mộng Hùng là cổ đông lớn, giữ trên dưới 30% cổ phần nên có tiếng nói quyết định; Ông Kiên tiếp tục tự bào chữa bằng những dẫn chứng từ các luật, yêu cầu gửi khiếu nại lên Tổng Bí thư, ông Nguyễn Bá Thanh...
 
(Tòa mở phiên tòa xét xở sơ thẩm bầu Kiên và 8 đồng phạm trở lại sau khi tạm hoãn ngày 16/4. Phiên tòa dự kiến kéo dài đến ngày 5/6. Tòa án quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với ông Trần Xuân Giá do bệnh nặng và đang rất yếu)

9 bị cáo bị xét xử gồm:

- Ông Nguyễn Đức Kiên (50 tuổi, nguyên chủ tịch hội đồng đầu tư, nguyên phó chủ tịch HĐQT, nguyên phó chủ tịch hội đồng sáng lập ACB) bị xét xử về 4 tội danh: kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

- 6 bị cáo bị đưa ra xét xử về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng cùng với Nguyễn Đức Kiên gồm:
+Ông Trần Xuân Giá (75 tuổi, nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB)
+Ông Lê Vũ Kỳ (58 tuổi, nguyên phó chủ tịch HĐQT ACB)
+ Ông Trịnh Kim Quang (60 tuổi, nguyên phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB)
+ Ông Phạm Trung Cang (60 tuổi, nguyên phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB)
+ Ông Lý Xuân Hải (49 tuổi, nguyên TGĐ Ngân hàng ACB)
+ Ông Huỳnh Quang Tuấn (56 tuổi, nguyên thành viên HĐQT Ngân hàng ACB)
 
- 2 bị cáo khác bị đưa ra xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm:
+ Trần Ngọc Thanh (62 tuổi, nguyên giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội)
+ Nguyễn Thị Hải Yến (45 tuổi, nguyên kế toán trưởng Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội ).
 
 
 




 
Hải Minh - N.Hằng
Theo Trí Thức Trẻ 

Các bài viết khác

Hỗ trợ luật doanh nghiệp
Tư vấn doanh nghiệp
Hottline:
0979 981 981
Email:
Tư vấn Đầu tư
Hottline:
0983 138 381
Email:
Hỏi đáp pháp luật